Trong quản trị nguồn nhân lực, có một kỹ năng quan trọng đang bị “bỏ quên”, hoặc làm rất qua loa. Đó là phỏng vấn thôi việc.
Phỏng vấn thôi việc quan trọng vì đây là cơ hội để lãnh đạo thu thập được rất nhiều thông tin quý để thực hiện cải tiến công việc, môi trường làm việc và chính sách của doanh nghiệp. Trên thực tế, công tác này nếu không bị bỏ qua thì cũng thường được làm một cách qua loa, nên thông tin chúng ta thu được rất ít và thường không chính xác.
|
Phỏng vấn thôi việc là cơ hội để lãnh đạo thu thập được rất nhiều thông tin quý để thực hiện cải tiến công việc, môi trường làm việc và chính sách của doanh nghiệp |
Phỏng vấn thế nào cho hiệu quả?
Giống như phỏng vấn tuyển dụng, phỏng vấn thôi việc cũng là một kỹ năng nghề nghiệp. Vì vậy, người thực hiện phỏng vấn, trước hết phải có kỹ năng đặt câu hỏi và giải mã câu trả lời tốt.
Các câu hỏi cần ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu. Tránh hỏi lòng vòng, xoáy vào đời tư làm cho người được phỏng vấn không muốn trả lời. Chẳng hạn, thay vì hỏi “Tại sao bạn nghỉ việc?” thì nên hỏi “Điều gì có thể giữ bạn ở lại với công ty?”, hay “Điều gì khiến bạn muốn ra đi?”.
Môi trường phỏng vấn thôi việc cũng rất quan trọng. Hãy đảm bảo rằng, buổi phỏng vấn không bị gián đoạn và nội dung trao đổi không “bị lộ”.
Ai nên thực hiện phỏng vấn thôi việc?
Hãy giao việc này cho phòng nhân sự, vì ngoài việc họ có kỹ năng thì cũng cần người phỏng vấn đóng vai trò trung lập để người được phỏng vấn không lo ngại sẽ bị “tấn công” sau khi nói thẳng, nói thật.
Nếu là người phỏng vấn tuyển dụng thực hiện phỏng vấn thôi việc thì càng tuyệt vời hơn, vì đây là cơ hội để người phỏng vấn tự đánh giá lại vì sao đã tuyển nhầm người và cải thiện kỹ năng của bản thân.
Và cuối cùng, hãy sử dụng chiến thuật “mở rộng cửa” với nhân viên thôi việc bằng cách thể hiện (không chỉ bằng lời nói) cho họ biết rằng: “Công ty luôn mở rộng cửa đón họ trở về”, và tiếp tục giữ liên lạc với họ, chia sẻ với họ những cải tiến của công ty nhờ vào góp ý của họ.
Bằng cách trên, bạn rất có thể mời lại nhân viên cũ khi thích hợp và nếu họ chấp nhận lời mời thì công ty đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức, vì thành viên cũ không chỉ đã quá hiểu về công ty nên không phải trải qua giai đoạn hội nhập, mà còn đang có động lực rất lớn để cùng công ty đi đến thành công sau một thời gian ra đi và nhìn lại.