Bạn chưa có Tài khoản?  Tạo một tài khoản

Đăng nhập

Duy trì trạng thái đăng nhập
Không thể truy cập vào tài khoản của bạn?

TONYTUONG

Đăng nhập và bắt đầu chia sẻ với TONY TUONG

Chỉ chia sẻ với những người phù hợp

Chia sẻ một số nội dung với bạn bè, một số nội dung khác với gia đình nhưng đừng chia sẻ điều gì cho sếp của bạn!

Làm cho các cuộc trò chuyện của bạn trở nên sống động

Hangout làm cho các cuộc trò chuyện trở nên sống động vớ ảnh, biểu tượng cảm xúc thậm chí các cuộc gọi video nhóm miễn phí!

Làm cho ảnh của bạn đẹp hơn bao giờ hết

Tự động sao lưu, sắp xếp và cải thiện ảnh của bạn!

Bạn có biết?

Bạn có thể đăng nhập vào TONY TUONG bằng tài khoản Google hiện tại của bạn?

Kết quả cho từ khoá ""

Đăng ký
Hangouts

TONY TUONG TAKEISY TAKASIKAWA

TONY TUONG TAKEISY TAKASIKAWA | nơi lưu trữ những điều kì diệu

Lên đầu trang


You are not connected. Please login or register

TONY TUONG TAKEISY TAKASIKAWA » QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP » Một số quan điểm về tự do hóa thương mại và sự vận dụng trong thực tiễn ở một số quốc gia Đông Á

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

1Một số quan điểm về tự do hóa thương mại và sự vận dụng trong thực tiễn ở một số quốc gia Đông Á Empty Một số quan điểm về tự do hóa thương mại và sự vận dụng trong thực tiễn ở một số quốc gia Đông Á Tue Jul 15, 2014 10:37 pm

tonytuonghnhp

tonytuonghnhp
tonytuonghnhp

tonytuonghnhp

Tổng số bài gửi : 443

Points : 3160

Reputation : 0

Join date : 04/02/2014

Age : 31

Đến từ : hà nội


Admin

Tự do hóa thương mại đang và sẽ là một xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Các quan điểm lý thuyết về thương mại cổ điển của Adam Smith hay D.Ricacdo ngày nay vẫn còn rất giá trị. Tuy  thực tế nhiều quốc gia vẫn đang có nhiều chính sách bảo hộ thông qua thuế quan, hạn ngạch,… song không thể phủ nhận được vai trò của tự do hóa thương mại đã giúp nhiều nền kinh tế từ nghèo nàn lạc hậu đến rất phát triển như hiện nay. Bài viết sẽ tập hợp, hệ thống một số cơ sở lý luận về thương mại tự do của Ricardo, M.Porter và Krugman và vận dụng trong thực tiễn của một số quốc gia như Nhật Bản và Trung Quốc để thấy họ đã vận dụng như thế nào để phát triển kinh tế.
Một số quan điểm về tự do hóa thương mại và sự vận dụng trong thực tiễn ở một số quốc gia Đông Á 061312_America2_575x270-panoramic_17609
1. Một số quan điểm lý thuyết về thương mại tự do
1.1 Lý thuyết thương mại tự do của Ricardo
Thời đó, Ricardo đã nhìn thấy hai hướng đi cho tương lai nước Anh. Thứ nhất, với tư cách là những người thiển cận, hòn đảo của những người theo phái bảo hộ tự cô lập mình, tách ra khỏi hàng hoá của thế giới. Và nếu nước Anh lựa chọn con đường thứ nhất, thì nền kinh tế sẽ sụp đổ. Hãy nhớ lại lý thuyết lợi thế tuyệt đối của Adam Smith, khi hàng hoá của nước khác sản xuất ra rẻ hơn hàng hoá cùng loại của mình thì nên mua hàng hoá của họ và bản thân mình hãy dùng các nguồn lực để sản xuất ra các hàng hoá khác có lợi thế hơn. Thứ hai, với tư cách là một nhà buôn hướng ngoại, nước Anh hãy hành động như một công xưởng của thế giới. Theo ông, nước Anh cần phải chuyên môn hoá các hoạt động sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh. Chuyên môn hoá bất cứ cái gì nếu như phải đầu tư các nguồn lực ít nhất, và sự hy sinh mà nhà sản xuất phải chịu đựng do không sản xuất ra một loại hàng hoá nào đó chính là chi phí cơ hội của họ. Do đó, chuyên môn hoá được quyết định bởi ai có được chi phí cơ hội thấp hơn. Theo Ricardo thì thương mại tự do là hoàn toàn có thể thực hiện được với những gia đình tiêu dùng nhiều hàng hoá hơn, bất chấp việc những đối tác buôn bán tiến bộ hoặc kém hơn mình về kinh tế.
Ricardo hàm ý rằng chủ nghĩa bảo hộ ở các quốc gia giàu có có thể làm cho các nước nghèo hơn đi vào con đường trì trệ. Điều đó ngược với việc hỗ trợ hàng trăm triệu đô la dưới hình thức các khoản vay hoặc viện trợ nước ngoài, trong khi lại dựng lên những hàng rào thuế quan trong thương mại với người dân. Chẳng hạn như dưới sức ép của các nhà sản xuất đường trong nước, Quốc hội Mỹ đã ngăn chặn các chương trình hỗ trợ phát triển cho các nước vùng Caribê. Hạn ngạch nhập khẩu đường bị thắt chặt từ 6 triệu tấn năm 1977 xuống còn 1,2 triệu tấn năm 1998. Và liệu rằng các chủ trang trại tại vùng phía Nam biên giới Mỹ có trả đũa bằng việc buôn lậu các sản phẩm cacao và ma tuý, những hàng hoá thu lợi nhuận cao với khả năng tiêu thụ lớn tại thị trường của Mỹ không?
Câu hỏi được đặt ra là liệu người giàu có bị tổn hại khi làm ăn với người nghèo không, nếu không thì tại sao Châu Âu, Mỹ lại bị tổn hại khi mua giầy của các nước đang phát triển? Trên thế giới đã có quốc gia nào giàu lên nhờ tự cung, tự cấp? Liệu tất cả các quốc gia khu vực trên thế giới đều dựng lên các hàng rào thương mại? Câu trả lời là không. Sau chiến tranh thế giới thứ II, nhiều quốc gia đã tham gia Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) được xây dựng nhằm thúc đẩy tự do thương mại. Các vòng đàm phán thương mại đa phương sau đó đã được triển khai nhằm cắt giảm hàng rào thuế quan thế giới. Tuy nhiên, nguy cơ về chủ nghĩa biệt lập trong bảo hộ vẫn tồn tại.
Về bản chất lý thuyết thương mại tự do của Ricardo không hề có luận điểm nào chứng minh rằng thuế quan lúc nào cũng sai. Đơn giản theo ông thuế quan ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế. Do đó, những lời khẩn cầu của ông về việc giúp đỡ người tiêu dùng, tăng thêm công ăn việc làm là dựa vào quan điểm thương mại tự do. Mặc dầu vậy, một quốc gia có thể sử dụng một cách thận trọng chính sách bảo hộ của mình vì mục tiêu an ninh, ổn định chính trị trong những thời điểm cụ thể nào đó mà thôi.
Thông qua lợi thế so sánh, Ricardo đã nhìn thấy nước nước Anh nổi lên như là một công xưởng của thế giới. Bất chấp những lạc quan về quan điểm tự do thương mại, một vài nhà kinh tế vẫn phác hoạ chân dung của Ricardo như một nhà phân tích và suy diễn bi quan. Nhưng tương lai về sự tự do hoá thương mại đó đã có sức mạnh nền tảng tạo ra lối mòn, làm cho các nhà chính trị phải quyết định đi theo con đường đó. Con đường thứ hai là khi chấp nhận học thuyết dân số của Malthus (xem Todd G. Buchholz, 1999), Ricardo nhận thấy rằng dân số tăng dẫn tới cầu về lương thực tăng, dẫn đến việc mở rộng canh tác những vùng đất xấu với chi phí canh tác cao hơn. Hậu quả là chi phí canh tác cao mà hiệu quả thấp. Nếu cứ tiếp tục mở rộng canh tác ở những vùng đất xấu thì chủ đất được lợi từ thu địa tô còn nhà tư bản lại bị thiệt hại. Đất đai cạn kiệt nhưng người dân vẫn đói. Không đồng tình với quan điểm của Malthus là hạn chế mức tăng dân số bằng các biện pháp kiểm soát sinh, Ricardo vẫn tiếp tục đấu tranh cho thương mại tự do. Khi giá lương thực ở Anh tăng cao do mức cầu cao thì nên để cho các hàng hoá đó được nhập khẩu từ nước ngoài. Các nhà kinh tế, các nhà công nghiệp và kinh doanh cần tập trung phát triển những lĩnh vực có lợi thế so sánh cao hơn và xuất khẩu các hàng hoá đó ra bên ngoài. Dựa vào luận điểm này mà các lý thuyết cạnh tranh kinh tế được thiết lập, tiêu biểu hơn cả là lý thuyết cạnh tranh của Michael Porter.
Mặc dầu lý thuyết của Ricardo được truyền bá khắp mọi nơi trên thế giới, nhưng những quốc gia Châu Âu là nơi kiểm chứng tốt nhất lý thuyết của ông. Họ đã hoàn thành cam kết vào năm 1992, bãi bỏ tất cả những rào cản thương mại còn lại, mang lại thắng lợi cục bộ cho học thuyết Ricardo tại Châu Âu. Cho tới nay, nông dân Đức, Pháp vẫn còn được bảo hộ, Hà Lan vẫn chống nhập khẩu hoa từ Nam Phi, đó là các trường hợp cá biệt.
1.2 Lợi thế cạnh tranh quốc gia của M.E.Porter
M.E.Porter đã dựa vào kinh tế Mỹ, lợi thế cạnh tranh của các ngành công nghiệp để xây dựng lý thuyết hình kim cương, hay còn gọi là lý thuyết về lợi thế cạnh tranh của mình. Môi trường cạnh tranh theo ông được sinh ra trong một khung cảnh nào đó, giống như hình kim cương bốn đỉnh. Theo lý luận này, thông tin, nhân tố kích thích, sức ép cạnh tranh, doanh nghiệp chủ lực, thể chế, hạ tầng cơ sở, năng lực công nghệ... đều có tác động tích cực tới việc nâng cao năng suất của nền kinh tế quốc gia. Việc nâng cao năng suất một cách bền vững đòi hỏi bản thân nền kinh tế của  mỗi quốc gia phải nâng cấp không ngừng. Điều đó đồng nghĩa với các doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao năng suất, bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến công nghệ và hạ giá thành. Chỉ có bằng con đường đó các doanh nghiệp mới có thể tham gia vào thị trường cạnh tranh. Thị trường thương mại và đầu tư theo hướng tự do hoá đã tạo ra các cơ hội nâng cao năng suất của tất cả các quốc gia, đồng thời cũng gây sức ép buộc các công ty phải luôn duy trì năng suất cao. Do đó, mỗi nước có thể tập trung vào một ngành nào đó mà doanh nghiệp của mình có lợi thế và nhập khẩu những hàng hoá và dịch vụ của các đối thủ cạnh tranh nước ngoài sản xuất nếu năng suất sản xuất trong nước thấp hơn. Porter đã tổng hợp phương pháp nghiên cứu của mình và xây dựng mô hình lý luận bốn nhân tố có vai trò chủ chốt ban đầu cho cạnh tranh thành công ở một ngành là kết hợp các yếu tố sản xuất, nhu cầu trong nước, cạnh tranh trong nước và công nghiệp hỗ trợ. Theo Porter nếu cạnh tranh trong nước quyết liệt thì cạnh tranh quốc tế sẽ thành công.
Lý luận của Porter cũng đã xét tới vai trò của chính phủ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Đối với chính phủ thì nhiệm vụ quan trọng nhất là tích cực tạo ra môi trường nâng cao năng suất, giảm bớt các can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh và loại bỏ các rào cản thương mại, bảo hộ. Ngoài ra chính phủ cũng cần tích cực đầu tư phát triển nguồn nhân lực, hạ tầng cơ sở kinh tế - xã hội. Nói khác đi là chính phủ cần tạo ra môi trường thuận lợi cho cạnh tranh chứ không tham gia trực tiếp vào cạnh tranh. Đối với các doanh nghiệp, Porter chỉ ra rằng nhiều lợi thế cạnh tranh nằm bên ngoài. Hơn nữa việc tập trung ngành giúp cho các công ty có thể xây dựng được chuỗi cung ứng, bổ sung cho nhau về sản phẩm. Như vậy, vị trí địa lý chiếm vai trò quan trọng trong tư duy chiến lược của các công ty theo quan điểm tập hợp ngành, để mở rộng mạng lưới sản xuất và tiêu thụ nhờ vào chính sách tự do hoá thương mại và đầu tư.
Tại một thị trường không có các khoản chi phí về xuất nhập khẩu, nếu công ty nào đó (hoặc một quốc gia nào đó) không có phản ứng đối với những nhân tố kích thích thì chắc chắn sẽ có những công ty khác với các sản phẩm giá thấp hơn, chất lượng tốt hơn sẽ tham gia vào thị trường và gây thiệt hại cho các công ty bản địa. Giả sử các điều kiện khác không thay đổi, nếu như rào cản thương mại không cao thì động cơ khuyến khích sản xuất và xuất khẩu sẽ nằm ở những nơi có chi phí thấp và năng suất cao nhất. Trên thị trường thế giới có nhiều công ty tham gia cạnh tranh thì lợi thế cạnh tranh của các công ty thường dựa vào lợi thế so sánh từ sự dư thừa các yếu tố sản xuất tại nước mình để đảm bảo khả năng phản ứng một cách tích cực tại thị trường mới. Trước khi tham gia vào thị trường quốc tế, các công ty đã đáp ứng đủ yêu cầu của thị trường nội địa, hơn thế họ còn đi trước các đối thủ cạnh tranh quốc tế. Do vậy, mặc dầu phải đối mặt với các công ty xuyên quốc gia, nhưng các công ty này vẫn tạo ra được lợi thế trong môi trường kinh doanh mới.
Lý thuyết của Porter cũng chú ý đặc biệt tới những điều kiện bất lợi như thiếu tài nguyên thiên nhiên, thị trường trong nước bão hoà đã kích thích hoạt động xuất khẩu. Đối với sự trỗi dậy của Đông Á, nếu dùng lý luận cạnh tranh của Porter để giải thích thường có sức thuyết phục hơn dựa vào lý thuyết thương mại truyền thống. Tại sao Đông Á lại thực hiện chính sách kinh tế hướng về xuất khẩu? Porter cho rằng, cạnh tranh của công ty trong nước được quyết định bởi mức độ dư thừa các yếu tố sản xuất tiên tiến, mức cầu trong nước, mức độ cạnh tranh trong ngành. Lấy Nhật Bản làm thí dụ, nhu cầu về máy tính của Nhật Bản tăng rất nhanh, hơn nữa nhiều công nghệ cao hàng đầu thế giới được phổ biến và ứng dụng ở Nhật Bản. Ngành máy tính của Nhật Bản được lợi trực tiếp nhờ sự phồn vinh của các ngành liên quan như đồ điện gia dụng, linh kiện điện tử, máy in, máy chữ. Chính phủ Nhật Bản tích cực đào tạo hàng loạt kỹ sư công nghệ, và đầu tư nhiều cho các hoạt động R&D. Bốn công ty lớn là Fujitsu, NEC, Hitachi, IBM là bốn công ty mạnh nhất trên thị trường Nhật Bản về đồ điện gia dụng và máy tính. Đồng thời năng lực cạnh tranh của các công ty này trên thị trường máy tính Châu Âu không có công ty nào sánh kịp. Hàng hoá điện tử gia dụng của Nhật Bản tràn ngập thị trường thế giới.
Ở những nước công nghiệp hoá mới châu Á (NICs), đằng sau lợi thế cạnh tranh có được do mở cửa thị trường, một mặt họ tiếp thu công nghệ nhập khẩu hiện đại, mặt khác họ thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá giá rẻ có lợi thế cạnh tranh cao. Mặc dầu NICs phụ thuộc vào Mỹ và Nhật Bản về công nghệ chế tạo bộ vi xử lý, màn hình tinh thể lỏng... nhưng các quốc gia này cũng rất mạnh dạn sản xuất các linh kiện điện tử, chế tạo bộ nhớ động ngẫu nhiên kích thước lớn (DRAM). Về sau DRAM của Hàn Quốc với kích thước 2 Megabyte trở thành sản phẩm cạnh tranh có sức mạnh trên thị trường thế giới không hề thua kém các sản phẩm cùng loại của Mỹ và Nhật Bản. Đóng góp của Porter về khía cạnh quản lý ở chỗ ông nhấn mạnh chính phủ cũng như tư nhân cần đầu tư vào các công trình thuộc khu vực công, hai bên đều phải có trách nhiệm phối hợp, loại bỏ những bất đồng và chi phí thương mại không đáng có để nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty và quốc gia.
Năng lực cạnh tranh của Porter cũng phù hợp với quan điểm của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), được quyết định bởi tám yếu tố. Đó là, mức độ mở cửa của nền kinh tế (bao gồm mức độ tự do hoá thương mại và đầu tư), vai trò chính phủ, năng lực tài chính, kết cấu hạ tầng, trình độ công nghệ, trình độ quản lý của doanh nghiệp, chất lượng lao động, thể chế kinh tế và chính trị. Nhưng mức độ mở cửa hội nhập với nền kinh tế thế giới là rất quan trọng. Nó được xác định bởi chính sách xuất nhập khẩu, thu hút FDI, dịch vụ tài chính bảo hiểm... Porter cũng cho rằng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tỷ lệ thuận với mức độ mở của của nền kinh tế. Tuy nhiên, xoá bỏ thương lợi đối với một nhóm lợi ích nào đó là công việc rất khó khăn. Bởi vì nó liên quan tới việc làm của người lao động. Do đó quá trình chuyển đổi từ một nền kinh tế thương lợi sang một nền kinh tế tự do cạnh tranh là một quá trình dài, có trật tự giành được sự đồng thuận của cả ba bên: nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.
 1.3 Lý thuyết mới về thương mại của Paul Krugman.
Trong kinh tế học Krugman nổi tiếng hơn cả với tư cách là người sáng lập ra lý thuyết mới về thương mại quốc tế hiện nay. Đây được xem là một cuộc cách mạng trong tư duy thương mại quốc tế. Bởi vì trong suốt cả một thời kỳ dài, từ đầu thế kỷ 19 đến thập kỷ 1970, lý thuyết thương mại quốc tế được xây dựng dựa trên ý tưởng của Ricardo về lợi thế so sánh và sau đó được phát triển thông qua lý thuyết lợi thế cạnh tranh của Porter.
Công trình giúp ông được nhận giải thưởng Nobel kinh tế năm 2008 là sự phân tích của ông về vai trò của lý thuyết thương mại mới trong hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong thương mại quốc tế và địa lý kinh tế. Các lý thuyết trước đây cho rằng thương mại quốc tế diễn ra trên cơ sở các điều kiện khác biệt giữa các quốc gia về yếu tố sản xuất. Một số nước dư thừa lao động nhưng lại thiếu vốn, trong khi một số nước khác lại nhiều vốn nhưng thiếu lao động. Kết quả là những nước chuyên môn hoá vào sản xuất và xuất khẩu, được cho là có lợi thế so sánh và nhập khẩu những mặt khác kém lợi thế hơn. Càng ngày người ta càng nhận thấy các lý thuyết này không thể giải thích được những hiện tượng trong thương mại quốc tế đang diễn ra khắp nơi. Một trong những hiện tượng đó là thương mại nội ngành (intra-industry trade) như việc Mỹ xuất khẩu ô tô sang Nhật Bản và Châu Âu, nhưng cũng nhập khẩu ô tô từ Nhật Bản và Châu Âu. Nếu dựa vào lợi thế so sánh thì trao đổi thương mại trong ngành công nghiệp này không thể xảy ra, bởi vì một mặt hàng chỉ có một chiều thương mại từ nơi có lợi thế đến nơi không có lợi thế để sản xuất mặt hàng đó. Lý thuyết về lợi thế so sánh cũng không thể giải thích được tại sao Đài Loan, Hàn Quốc lại thành công trong việc chuyển xuất khẩu quần áo, giầy dép vào thập niên 1960 sang xuất khẩu máy tính, ô tô sang thị trường Mỹ như ngày nay.
Năm 1976, trong một lần nghe bài giảng của Solow người được giải thưởng Nobel kinh tế năm 1956, Krugman đã hiểu được khái niệm cạnh tranh độc quyền đó là sự cạnh tranh xảy ra khi những nhà sản xuất có được lợi thế cạnh tranh độc quyền và những nhãn hiệu, sản phẩm nhất định. Ý tưởng vận dụng khái niệm cạnh tranh độc quyền trong thương mại quốc tế chợt nảy ra và ông đã trình bày các ý tưởng mới nhưng đã bị các báo chí từ chối đăng tải. Mãi tới năm 1979 bài báo 10 trang của ông được đăng trên tạp chí kinh tế quốc tế, lập tức gây được sự chú ý đặc biệt của giới học thuật trong ngành và Paul Krugman trở thành cha đẻ của lý thuyết thương mại mới khi ông mới 26 tuổi. Trong bài báo, Krugman (1979) đã đưa ra lý thuyết hoàn toàn mới về thương mại quốc tế, giải thích rằng quan hệ thương mại nội bộ ngành dựa trên giả định về lợi thế theo quy mô, theo đó việc sản xuất trên quy mô lớn đã làm cho chi phí sản xuất giảm. Bên cạnh lợi thế quy mô sản xuất, ông còn dựa trên giả thiết người tiêu dùng cũng quan tâm tới tính đa dạng của sản phẩm. Do hai đặc tính này, mà lợi thế theo quy mô của các nhà sản xuất và sự ưa thích về tính đa dạng của người tiêu dùng tạo điều kiện cho người sản xuất trở thành các nhà sản xuất độc quyền đối với các nhãn hiệu sản phẩm của mình, kể cả khi phải chịu áp lực cạnh tranh từ các nhãn hiệu hàng hoá khác.
Lý thuyết của Krugman cũng giải thích tại sao thương mại quốc tế vẫn có thể diễn ra giữa những nước có lợi thế tương đối về công nghệ và các yếu tố sản xuất tương tự nhau. Thí dụ, Mỹ và Châu Âu, cùng lợi thế tương đối về vốn và công nghệ nhưng Mỹ xuất khẩu xe ô tô Ford và nhập khẩu xe BMW của Châu Âu. Xảy ra điều này là vì sự ưa thích tính đa dạng nhãn hiệu của người tiêu dùng, cho phép cả hai cũng có lợi thế tương đương nhau, sản xuất những hàng hoá của mình. Ngoài ra Paul Krugman còn là người đi tiên phong trong lý thuyết địa kinh tế. Luận điểm quan trọng của lý thuyết này là các hãng có xu hướng xác định vị trí sản xuất của mình tại những nơi trung tâm đông đúc dân cư và dồi dào vốn, tham gia sản xuất vừa là người tiêu dùng, hàng hoá sẽ đa dạng hơn và rẻ hơn. Chi phí vận chuyển sẽ tăng cao nếu trung tâm sản xuất tập trung tại một khu vực nhất định nào đó. Muốn giảm chi phí vận chuyển hàng hoá phải lập ra nhiều trung tâm sản xuất, đó là nguyên nhân đẩy nhanh quá trình đô thị hoá và tập trung hoá sản xuất.
Lý thuyết thương mại mới của Krugman đã trở thành một bộ phận chính trong các lý thuyết thương mại quốc tế, bổ sung cho các lý thuyết về lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra ông còn là một nhà dự báo xuất sắc về nguy cơ khủng hoảng tài chính. Trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính Châu Á, hầu hết các nhà kinh tế đều ca ngợi về sự thần kỳ của Đông Á. Cuối thập niên 1990, ông đã đưa ra một loạt cảnh báo trong các bài viết của ông về kinh tế Nhật Bản, kinh tế Hàn Quốc giải thích sự suy thoái kinh tế của các quốc gia này là do tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư và lao động, trong khi năng suất lại thấp và các chính sách tiền tệ không hiệu quả.
2. Thực tiễn ở một số quốc gia Đông Á
2.1 Nhật Bản tích cực mở cửa và hội nhập để phát triển kinh tế - thương mại
Trong hơn 100 năm phát triển kinh tế, thì giai đoạn 1955-1973 là một giai đoạn rất đặc biệt đối với Nhật Bản. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong thời kỳ này là 10%, đây là một hiện tượng xảy ra chưa từng có đối với lịch sử của bất cứ quốc gia nào. Trước khi bước vào thời kỳ phát triển cao, Nhật Bản đã chọn lựa một chiến lược phát triển, theo đó góp phần quan trọng vào tiến trình công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu thành công. Chiến lược phát triển đó tập trung ở ba khía cạnh. Thứ nhất, mở cửa như thế nào để hàng nhập khẩu không cản trở sự phát triển của các ngành công nghiệp nội địa. Thứ hai, mở cửa và thực hiện tự do hoá thương mại hết hợp với các chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp của Nhật Bản trên thị trường trong nước và thế giới. Thứ ba, hội nhập có hiệu quả, tranh thủ cơ hội của thị trường thế giới, trước hết là ưu tiên đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.
Kinh tế Nhật bản bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh thế giới lần thứ II. Gần 35% thiết bị máy móc sản xuất bị tàn phá, lạm phát phi mã và thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 36% so với thời kỳ trước chiến tranh. Với những nỗ lực của chính phủ và doanh nhân Nhật Bản, cùng với sự viện trợ của Mỹ, kinh tế Nhật Bản đã ổn định vào năm 1949, sau đó sức sản xuất phục hồi vào năm 1956. Mặc dầu kinh tế hồi phục, nhưng vẫn còn non kém hơn so với Mỹ và Châu Âu, năm 1955 GDP của Nhật bằng một nửa của Anh, xuất khẩu của Nhật Bản ra thị trường thế giới chỉ chiếm tỷ trọng 2,4%. Tại thị trường Mỹ, các mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản là những mặt hàng chất lượng thấp.
Thái độ chung của các nhà lãnh đạo, doanh nhân lúc đó là phải gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới để phát triển kinh tế. Phải gia nhập các tổ chức kinh tế thế giới là quyết định đúng đắn, nhưng gia nhập như thế nào (lộ trình, lợi thế so sánh) là các khía cạnh cần cân nhắc kỹ lưỡng. Nhật Bản là nước thiếu tài nguyên thiên nhiên, thì ngoại thương là yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế Nhật Bản phục hồi nhanh. Ngoài ra, thị trường Nhật bản không nhỏ, nhưng muốn đạt được hiệu quả quy mô kinh tế cần phải tiếp cận các thị trường rộng lớn bên ngoài. Rõ ràng là việc gia nhập các tổ chức quốc tế sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho kinh tế Nhật Bản phát triển, một mặt tăng cường lợi thế của Nhật Bản trên thế giới.
Tuy nhiên việc gia nhập thị trường thế giới đã đẩy mạnh xuất khẩu thì phải mở cửa thị trường trong nước đối với hàng ngoại nhập và vốn đầu tư của các công ty nước ngoài. Vì trình độ phát triển của Nhật còn kém hơn so với Mỹ, Châu Âu, do đó nhiều nhà sản xuất Nhật Bản lo sợ hàng ngoại thống trị thị trường Nhật Bản. Trong khi các chủ doanh nghiệp nêu ý kiến trì hoãn việc mở cửa hội nhập, thì công ty xe hơi và một số chính khách Nhật Bản lại cho rằng không nên lo âu, mà phải lấy thị trường thế giới làm mục tiêu kinh doanh và do đó, đổi lại là không bảo hộ thị trường trong nước. Các học giả thì có hai loại ý kiến khác nhau, gây nên tranh luận sôi nổi, tuy nhiên Chính phủ Nhật Bản thấy rằng không có con đường nào khác, chỉ có cách chấp nhận hội nhập và mở cửa tự do hoá thương mại mới giúp cho Nhật Bản có vị thế mới. Để tránh những tổn thất có thể xảy ra thì quá trình này cần phải có các bước đi tuần tự (hội nhập từng bước) và đưa ra các chiến lược phát triển các ngành công nghiệp mà Nhật Bản có lợi thế cạnh tranh.
Tháng 8/1952, cùng với việc gia nhập Ngân hàng thế giới, Nhật Bản gia nhập Quỹ tiền tệ quốc tế và sau đó tham gia GATT. Nước thành viên của GATT phải tiến hành tự do hoá thương mại. Tuy nhiên, Nhật gia nhập GATT vào tháng 12/1955 nhưng xin hoãn thực hiện cam kết tự do hóa theo điều 11[url=file:///C:/Users/Bui Ngoc Thu Truc/Downloads/Th%C6%B0%C6%A1ng m%E1%BA%A1i t%E1%BB%B1 do (1).rtf#_ftn2][2][/url]. Đến năm 1963 thì Nhật trở thành thành viên đẩy đủ của GATT. Trong thời gian sau đó, Nhật Bản đã đưa ra một chương trình tự do hoá nhập khẩu tương ứng bắt đầu từ những ngành có lợi thế cạnh tranh cao, sau đó mở rộng cho các ngành khác. Chẳng hạn xe hơi là ngành quan trọng nhất của Nhật Bản, tự do hoá vào tháng 10/1965, máy móc công cụ và máy phát điện vào tháng 4/1970, và đến năm 1972 chỉ còn 33 mặt hàng vẫn bị hạn chế nhập khẩu. Mức độ tự do hoá đã tăng từ 40% năm 1960 lên 95% vào năm 1972 (Takatoshi, 1993)
Song song với chương trình tự do hoá, Nhật Bản cải cách luật thuế quan năm 1961 và tích cực dùng thuế quan làm công cụ bảo hộ các ngành công nghiệp non trẻ. Mức thuế quan được áp dụng tuỳ thuộc vào năng lực cạnh tranh của từng ngành. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ áp dụng trong thời gian ngắn đối với từng ngành công nghiệp, ép buộc các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh, mà không cần bảo hộ. Năm 1963, tổng thống Mỹ Kennedy kêu gọi mở cuộc đàm phán đa phương để cùng giảm thuế quan, lúc đầu nhật Bản có thái độ dè chừng, nhưng sau vòng đàm phán này Nhật Bản liên tiếp tạo được năng lực cạnh tranh cho nhiều ngành công nghiệp quan trọng. Từ năm 1968-1975 thuế quan của Nhật Bản giảm nhanh, thấp nhất so với các nước công nghiệp phát triển khác.
Ngoài tự do hoá thương mại, một khía cạnh khác của chính sách mở cửa là tự do hoá đầu tư. Điều kiện để gia nhập OECD là không được hạn chế đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhật rất lo sợ các công ty xuyên quốc gia của Mỹ chi phối nền kinh tế, do đó việc gia nhập OECD cũng được chính phủ Nhật tiến hành từng bước (cụ thể là 5 bước trong thời kỳ 1967-1975). Cho tới năm 1975 còn lại 22 ngành không được tự do hoá đầu tư, và danh sách vốn đầu tư cũng được loại bỏ dần. Các doanh nghiệp Nhật Bản hiểu rằng tự do hoá thương mại chỉ có kết quả nếu như các ngành công nghiệp của Nhật Bản nâng cao được năng lực cạnh tranh. Chiến lược phát triển và tăng sức cạnh tranh các ngành công nghiệp đã được chính phủ và doanh nghiệp đồng tình ủng hộ. Chiến lược phát triển đó được thể hiện bằng những nội dung chính:
Thứ nhất, chọn ngành mà Nhật Bản có lợi thế nhất, đặc biệt là lợi thế động (lợi thế so sánh có khả năng phát triển trong dài hạn). Đó là những ngành mà Nhật dễ tiếp thu công nghệ, những ngành có nhu cầu lớn đồng thời có lợi thế cao. Nhật Bản đã chọn hầu hết các ngành công nghiệp nặng và công nghiệp chế tạo để phát triển để đẩy mạnh xuất khẩu.
Thứ hai, sau khi đưa ra cơ cấu công nghiệp cần phải được ưu tiên phát triển, chính phủ đã ban hành các quy định hỗ trợ thuế, tín dụng cho các ngành. Nhưng các chính sách ưu tiên hỗ trợ cũng chỉ có giới hạn và thay đổi theo ngành.
Thứ ba, các chính sách, chiến lược phát triển công nghiệp có sự tham gia rộng rãi của nhiều tầng lớp xã hội đặc biệt có sự liên kết giữa chính phủ, doanh nghiệp và các học giả. Qua hình thức này, thông tin được lan truyền rộng rãi, công khai có tác động tích cực đối với các doanh nghiệp ở chỗ giảm chi phí thu thập thông tin, dễ đưa chiến lược khả thi, hiệu quả. Chính sách của chính phủ cũng được thông suốt, nên các doanh nghiệp dễ thực hiện các dự án đầu tư.
Thứ tư, để nhanh chóng tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đối phó với tình hình xâm nhập thị trường nội địa của các công ty xuyên quốc gia theo chương trình tự do hoá từng bước nêu trên, Bộ công nghiệp và thương mại quốc tế đã tích cực khuyến khích, dàn xếp, kết nối các doanh nghiệp lại tạo thành các công ty lớn. Nhiều công ty nổi tiếng hiện nay chính là sự sáp nhập của hai hoặc ba công ty khác, chẳng hạn như Mitsui, Misubishi, Kobe Steel, Nissan, Nippon Steel...
Tự do hoá thương mại và hội nhập của Nhật Bản thành công một phần chờ chính sách đẩy mạnh xuất khẩu của chính phủ. Chính sách này gồm ba phần: miễn giảm thuế, thiết lập các cơ quan hỗ trợ xuất khẩu và cách thức tổ chức xuất khẩu. Các chính sách này được thực hiện chủ yếu trong suốt thời kỳ 1950-1970 và kết thúc khi Nhật trở thành cường quốc kinh tế xuất siêu. Các chế độ thừa nhận sự cống hiến của doanh nghiệp xuất khẩu, lập các ngân hàng hỗ trợ xuất khẩu, tổ chức chiến lược mậu dịch (JETRO) để hỗ trợ tiếp thị và thu thập thông tin, kiểm tra chất lượng sản phẩm... đã thúc đẩy các ngành công nghiệp hướng về xuất khẩu của Nhật Bản phát triển nhanh, đồng thời hàng hoá của Nhật bản có khả năng cạnh tranh cao trên các thị trường của thế giới.
2.2 Trung Quốc cải cách mở cửa để phát triển thương mại
Triết lý chung về con đường cải cách mở cửa của Trung Quốc kể từ kỳ họp thứ 3 của Ban bí thư trung ương khoá 11 của Đảng cộng sản Trung Quốc vào năm 1978. Đường lối cải cách mở cửa bắt đầu từ quá trình cải cách nông thôn trong một thời kỳ dài. Nó chỉ hoàn thành khi cao trào khoán sản phẩm tới hộ gia đình lan ra cả nước vào năm 1983. Kết quả của cải cách nông thôn đã chỉ ra con đường cải cách tiếp theo của Trung Quốc và Đặng Tiểu Bình là nhân vật quan trọng nhất trong quá trình này.
Kết quả của chiến lược cải cách của Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình đề xướng là thời kỳ bùng nổ và bền vững nhất của quá trình phát triển kinh tế Trung Quốc được cả thế giới chứng kiến. Cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997-1998 không hề làm chậm bước tiến của Trung Quốc, hơn nữa tỷ lệ tăng trưởng luôn luôn duy trì ở mức cao trong suốt cả một thời kỳ dài với tốc độ tăng trưởng trung bình 8,2% một năm trong thời kỳ 1978-2005. Xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng từ 18,1 tỷ USD năm 1978 lên 266 tỷ USD năm 2001 và năm 2010 là hơn 1.500 tỷ USD với mức tăng trưởng hàng năm là 15% trong thời kỳ 1978 – 2010. Trong tổng lượng hàng hóa xuất khẩu thì tỷ trọng hàng xuất khẩu chế tạo tăng từ 50% năm 1978 lên 90% vào năm 2010. Năm 2011 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 3.642,1 tỉ USD, tăng 22,5% so với năm 2010. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 1.898,6 tỉ USD, tăng trưởng 20,3%; nhập khẩu đạt 1.743,5 tỉ USD, tăng trưởng 24,9%[url=file:///C:/Users/Bui Ngoc Thu Truc/Downloads/Th%C6%B0%C6%A1ng m%E1%BA%A1i t%E1%BB%B1 do (1).rtf#_ftn3][3][/url]. Trung Quốc đã thực hiện một chính sách tự do hoá thương mại đầu tư, mở cửa cho các hàng hoá nước ngoài thâm nhập vào thị trường rộng lớn Trung Quốc. Cùng với tự do hoá thương mại được thúc đẩy, xuất siêu của Trung Quốc luôn tăng lên tại thị trường Mỹ. Trung Quốc có điều kiện nhập khẩu các thiết bị máy móc hiện đại, thành lập các khu chế xuất quy mô lớn tại các đặc khu kinh tế ven biển của Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã trở thành tiêu điểm đầu tư lớn nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài, tổng lượng FDI vào lục địa là 359 tỷ USD vào năm 2001 và vào đặc khu hành chính Hồng Kông là 452 tỷ USD, tổng cộng là 847 tỷ USD. Những năm tiếp theo FDI có xu hướng giảm, nhưng Trung Quốc luôn thu hút được hơn một nửa FDI vào các nước đang phát triển. Các học giả phương Tây cho rằng cuộc cách mạng lần thứ 2 do Đặng Tiểu Bình đề xướng đã thành công ở cả hai mặt kinh tế và xã hội.
Hàng loạt các xí nghiệp hương trấn đã được hình thành, tại đó đã thu hút một lượng lao động lớn, sản xuất ra những mặt hàng tiêu dùng chất lượng không cao, sử dụng các công nghệ đơn giản nhưng lại phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa đang tăng ở nông thôn. Đồng thời xí nghiệp hương trấn đã đóng góp tỷ lệ tương đối cho tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc. Để cạnh tranh trong khuôn khổ của chuỗi giá trị toàn cầu, Trung Quốc đã tích cực mở rộng quy mô các khu chế xuất, thu hút FDI và công nghệ hiện đại sản xuất ra các hàng hoá chất lượng cao, thâm nhập các thị trường lớn của thế giới như Mỹ, EU và các quốc gia Châu Á khác. Muốn đạt được mục tiêu đó phải gia nhập WTO, mở cửa thị trường cho các công ty xuyên quốc gia vào đầu và chuyển giao công nghệ, để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Sau 16 năm liên tục đàm phán với các nước thì tháng 12/2001, Trung Quốc đã gia nhập WTO và cam kết mở cửa thị trường, mở cửa lĩnh vực ngân hàng tài chính nội địa. Trung Quốc là một trong những nền kinh tế lưu hành tiền tệ nhiều nhất thế giới, cạnh tranh với các ngân hàng của các quốc gia khác trên thị trường nội địa là khó khăn lớn đối với các ngân hàng Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã ép buộc các ngân hàng lớn cải cách hệ thống quản lý ngân hàng, cho phép các ngân hàng hoạt động độc lập và loại bỏ dần các cổ phần thuộc sở hữu nhà nước, bán các cổ phần cho tư nhân. Được sự trợ giúp của chính phủ bốn ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc đã phát triển vững chắc sau khi Trung Quốc gia nhập WTO.
Sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã chủ động đề xuất thành lập khu mậu dịch thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc. Bởi lẽ, ASEAN là khu vực kinh tế năng động, với sức mua của khoảng 500 triệu dân đang tăng lên, mặt khác Trung Quốc muốn cạnh tranh ảnh hưởng với Nhật Bản tại khu vực này. Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc với sáu nước ASEAN đã bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2010. Sáu nước đó là Brunei, Indonexia, Malayxia, Singapore, Philipin và Thái Lan, các nước này đều hy vọng có thể mua linh kiện với giá rẻ sản xuất tại Trung Quốc, chế tạo thành phẩm để xuất khẩu sang các thị trường Châu Âu và Mỹ. Đồng thời Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ việc nhập khẩu tài nguyên rẻ từ các nước ASEAN. Chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục hỗ trợ các tập đoàn kinh tế lớn của Trung Quốc khi tiến hành mở cửa thị trường bằng các chính sách phát triển công nghiệp chủ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh với các hãng nước ngoài xâm nhập vào Trung Quốc. Các chính sách ưu tiên đó gồm thuế quan, hàng rào phi thuế quan, chuyển giao công nghệ, những khoản vay ưu đãi từ các ngân hàng nhà nước (giống như chính sách phát triển các ngành công nghiệp của Nhật Bản trước đây). Công nghệ mới và vốn đã giúp cho Trung Quốc chuyển đổi các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, giầy dép sang các ngành có giá trị gia tăng cao như công nghiệp điện tử, ô tô đặc biệt là linh kiện điện tử. Các mặt hàng điện tử như TV, máy ảnh kỹ thuật số, máy tính, điện thoại di động... có mặt ở khắp nơi trên thế giới có năng lực cạnh tranh cao nhờ giá rẻ. Tuy nhiên, công nghiệp Trung Quốc lại phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng (than, dầu, khí), trong khi xu thế sáp nhập và mua lại giữa các công ty đang diễn ra, đặt biệt trong ngành hoá dầu thì việc cạnh tranh với các công ty toàn cầu của nước ngoài là thách thức rất lớn đối với các công ty hoá dầu của Trung Quốc. Ngoài năng lượng, cạnh tranh trong lĩnh vực hàng không, tài chính, bảo hiểm cũng là những thách thức rất lớn mà Trung Quốc phải đối mặt. Đó là chưa kể đến tình trạng phân hoá giàu nghèo gia tăng rất nhanh đang là mối đe doạ bất ổn về chính trị.
                                                          *    *     *
   Từ thực tiễn của Nhật Bản và Trung Quốc, có thể thấy lợi ích của tự do hoá thương mại là không phải bàn cãi nữa. Vấn đề lợi ích đó có đạt được một cách công bằng, tuân theo các cam kết thương mại tự do song phương hay đa phương, có là nguyên nhân gây nên những vụ kiện tranh chấp thương mại hay không mới là vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Nhật Bản và Trung Quốc là những quốc gia Châu Á khôn ngoan, đã thực hiện chính sách thương mại tự do trong từng thời đoạn khi nhận thấy có nhiều cơ hội thuận lợi đặc biệt là chú ý tới tiếp nhận FDI và công nghệ mới để phát triển các ngành công nghiệp. Và do đó, thương mại thực sự đã giúp cho các quốc gia này đạt được thành quả kinh tế - xã hội to lớn trong thời gian gần đây.
 

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

Style of Google. Code by TONY TUONG