Đây là một câu hỏi phỏng vấn chẳng liên quan gì tới chuyên môn cả nhưng không dễ trả lời, không khéo léo bạn dễ dàng há miệng mắc quai đấy! Trong khi trả lời những câu hỏi như thế này điều tối kị là bạn đừng bao giờ than phiền về công ty hay sếp cũ của bạn.
Có thể bạn có 1001 lí do để trả lời câu hỏi này, đôi khi sự thật ngược lại, nhưng bạn không nên trả lời một cách thẳng thừng quá đến những vấn đề nhạy cảm như lương không cao, Sếp không chịu tăng lương, tôi không có cơ hội thăng tiến … Bạn có biết lí do vì sao nhà tuyển dụng hỏi bạn những câu như thế này hay không? Vì họ muốn lường trước tương lai bạn có thể rời bỏ công ty của họ cũng vì lí do tương tự.
Bạn nghĩ rằng mình nên nói thật để cho người phỏng vấn thông cảm với chuyện của bạn, tuy nhiên cách trả lời không khéo léo lại có thể mang tác dụng ngược lại. Chẳng hạn bạn gặp phải trường hợp người phỏng vấn là chỗ quen biết với sếp cũ của bạn, bạn tự hiểu điều gì sẽ xảy ra nếu bạn thản nhiên nói xấu về người bạn thân thiết của họ chứ! Trong trường hợp họ cũng chẳng có quan hệ gì với người Sếp cũ cả, thì người phỏng vấn cũng lo lắng liệu sau này nghỉ việc rồi bạn có nói xấu họ như thế hay không?
Vì vậy bạn có thể chuẩn bị trước một số câu trả lời cho những câu hỏi như thế này bằng những câu trả lời tránh đụng chạm.
1- Tôi rời bỏ công việc này vì tôi muốn có một công việc tốt hơn.
2- Tôi rời bỏ công việc này vì tôi muốn có công việc phù hợp với khả năng tôi hơn.
3- Chuyên ngành của tôi là… tuy nhiên lúc ra trường tôi chưa thể tìm được công việc đúng với chuyên môn, tôi có mong muốn vào công ty để có thể sử dụng đúng chuyên môn của mình.
4- Tôi nhận thấy vị trí mà công ty đang tuyển dụng có thể cho tôi cơ hội vận dụng hết khả năng và chuyên môn của mình trong các lĩnh kinh doanh, marketing và ngoại ngữ.
5- Công việc hiện tại quá đơn điệu và nhàm chán, tôi yêu thích công việc có nhiều áp lực và thử thách. Tôi quyết định ra đi vì không muốn tinh thần làm việc của mình làm ảnh hưởng đến các nhân viên khác.
6- Tôi làm tại một văn phòng đại diện, tuy nhiên văn phòng đó lại dời đến một tỉnh khác. Tôi không thể tiếp tục đi làm tại một tỉnh quá xa như vậy.
7- Văn phòng chúng tôi chuyển sang một tỉnh lân cận, tôi không ở tại nơi làm việc được vì đang theo học một khóa học vào buổi tối.
8- Thật ra không phải tôi bỏ việc mà tôi đang làm cho dự án chuẩn bị kết thúc. Tôi muốn có một công việc mới sau khi dự án kết thúc.
9- Tôi nằm trong những người sẽ được chuyển qua một công việc mới, công việc đó tôi hoàn toàn không có kinh nghiệm và khả năng đảm trách, tôi ra đi để công ty tuyển dụng người khác phù hợp hơn.
10- Tôi vô tình đọc được thông tin tuyển dụng của công ty và ứng tuyển sau khi nhận thấy môi trường làm việc và chế độ ở đây rất tốt, hơn nữa công việc ở đây thật sự phù hợp với khả năng, kinh nghiệm và trình độ của tôi.
Bạn nên trả lời ngắn ngọn, dễ hiểu nếu bạn chưa tự tin về câu trả lời của mình và cũng tìm cách chuyển hướng câu trả lời để trình bày kiến thức khả năng của mình, bạn sẽ dễ dàng làm chủ tình thế nếu việc chuyển hướng của bạn hướng đến tiêu chí tuyển dụng của công ty.