Bạn chưa có Tài khoản?  Tạo một tài khoản

Đăng nhập

Duy trì trạng thái đăng nhập
Không thể truy cập vào tài khoản của bạn?

TONYTUONG

Đăng nhập và bắt đầu chia sẻ với TONY TUONG

Chỉ chia sẻ với những người phù hợp

Chia sẻ một số nội dung với bạn bè, một số nội dung khác với gia đình nhưng đừng chia sẻ điều gì cho sếp của bạn!

Làm cho các cuộc trò chuyện của bạn trở nên sống động

Hangout làm cho các cuộc trò chuyện trở nên sống động vớ ảnh, biểu tượng cảm xúc thậm chí các cuộc gọi video nhóm miễn phí!

Làm cho ảnh của bạn đẹp hơn bao giờ hết

Tự động sao lưu, sắp xếp và cải thiện ảnh của bạn!

Bạn có biết?

Bạn có thể đăng nhập vào TONY TUONG bằng tài khoản Google hiện tại của bạn?

Kết quả cho từ khoá ""

Đăng ký
Hangouts

TONY TUONG TAKEISY TAKASIKAWA

TONY TUONG TAKEISY TAKASIKAWA | nơi lưu trữ những điều kì diệu

Lên đầu trang


You are not connected. Please login or register

TONY TUONG TAKEISY TAKASIKAWA » Welcome to TONY TUONG TAKEISY TAKASIKAWA "s site » DOCUMENT » Chuẩn mực kế toán quốc tế về thuế thu nhập và những cập nhật đến thời điểm hiện nay

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

1Chuẩn mực kế toán quốc tế về thuế thu nhập và những cập nhật đến thời điểm hiện nay Empty Chuẩn mực kế toán quốc tế về thuế thu nhập và những cập nhật đến thời điểm hiện nay Sat Aug 02, 2014 9:32 pm

tonytuonghnhp

tonytuonghnhp
tonytuonghnhp

tonytuonghnhp

Tổng số bài gửi : 443

Points : 3160

Reputation : 0

Join date : 04/02/2014

Age : 31

Đến từ : hà nội


Admin

ThS. Phan Thị Anh Đào
Khoa Kế toán-Kiểm toán-Học viện Ngân hàng


Chuẩn mực kế toán quốc tế về thuế thu nhập doanh nghiệp (IAS 12) là một chuẩn mực kế toán quốc tế được IASC ban hành vào tháng 7/1979 trên cơ sở bản dự thảo công bố vào tháng 4/1978. Kể từ khi được ban hành lần đầu tiên vào 1979 thì IAS 12 vẫn tiếp tục được điều chỉnh, cập nhật bổ sung cho đến nay. Trong phạm vi bài viết này tác giả sẽ giới thiệu khái quát về hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế, chuẩn mực kế toán quốc tế về thuế thu nhập và những điểm mới được cập nhật trong kế toán thuế thu nhập hiện nay so với bản gốc được ban hành lần đầu tiên. 

1. Giới thiệu chung về hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế và chuẩn mực kế toán quốc tế về thuế thu nhập doanh nghiệp (IAS 12)
 Các chuẩn mực kế toán quốc tế (IASs) được soạn thảo bởi Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế (IASC). IASC được thành lập năm 1973 tại Luân Đôn nhằm mục tiêu đạt được sự thống nhất về các nguyên tắc kế toán giữa các doanh nghiệp và các tổ chức khác về các báo cáo tài chính. Đến năm 1983 IASC bao gồm tất cả các hội viên của Liên đoàn kế toán quốc tế (IFAC) và được điều hành bởi một hội đồng gồm các tổ chức nghề nghiệp kế toán của các nước hội viên do IFAC bổ nhiệm. Cho đến 1998 IASC đã ban hành được 34 chuẩn mực kế toán quốc tế. Năm 2001, IASC được thay thế bằng Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB), nhiệm vụ của IASB là phát triển bộ chuẩn mực kế toán toàn cầu có chất lượng cao và để đạt được mục tiêu này IASB phối hợp với các tổ chức ban hành chuẩn mực kế toán ở các nước để đạt được sự hội tụ về chuẩn mực kế toán:
" Mang đến sự hội tụ giữa chuẩn mực kế toán quốc gia và các  chuẩn mực quốc tế với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế để đạt được những giải pháp chất lượng cao"
 IASB ban hành các chuẩn mực kế toán với tên gọi mới là các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), thuật ngữ IFRS ngày nay bao gồm cả IASs trước đây đã được xem xét sửa đổi và các IFRSs mới ban hành sau này. Hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế hiện nay gồm 4 phần chính đó là:
- Khuôn mẫu lý thuyết cho việc lập và trình bày BCTC
- Các chuẩn mực kế toán quốc tế IASs
- Các chuẩn mực về BCTC quốc tế IFRSs
- Hướng dẫn, giải thích các chuẩn mực kế toán IFRIC/SIC
Các chuẩn mực kế toán đã ban hành vẫn thường xuyên được bổ sung và điều chỉnh nội dung nhằm mục đích ngày càng phù hợp hơn. Đến nay IASC và IASB đã điều chỉnh và ban hành được tất cả 40 chuẩn mực kế toán quốc tế trong đó có 9 IFRSs và 31 IASs. Các chuẩn mực này được chấp nhận rộng rãi bởi nhiều quốc gia và thị trường chứng khoán trên thế giới.

2. Một số nội dung cơ bản của IAS 12 đã được sửa đổi và cập nhật đến thời điểm hiện nay
Có thể thấy rằng chuẩn mực kế toán về thuế thu nhập của quốc tế ra đời khá sớm (1979), hơn 30 năm qua IAS 12 liên tục được bổ sung, sửa đổi để đạt được mục tiêu làm rõ cách thức xử lý kế toán thuế thu nhập nhằm trình bày thông tin thuế thu nhập trên báo cáo tài chính một cách rõ ràng và trung thực. Nội dung của IAS 12 sửa đổi tính đến hiện nay có một số điểm khác biệt với bản IAS 12 gốc (1979) như sau:
Thứ nhất: Về phương pháp tiếp cận trong kế toán thuế thu nhập
 IAS 12 gốc cho phép kế toán thuế thu nhập hoãn lại bằng việc sử dụng phương pháp hoãn lại (deferral method) hoặc phương pháp nợ phải trả tiếp cận báo cáo thu nhập.
IAS 12 sửa đổi nghiêm cấm kế toán thuế thu nhập hoãn lại bằng việc sử dụng phương pháp hoãn lại (deferral method) và yêu cầu sử dụng phương pháp nợ phải trả tiếp cận bảng cân đối kế toán.
Như vậy, chuẩn mực kế toán quốc tế về thuế thu nhập hiện nay yêu cầu sử dụng một phương pháp duy nhất để kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp đó là phương pháp nợ phải trả tiếp cận bảng cân đối kế toán. Theo đó, khoản chênh lệch được xác định để tính thuế thu nhập hoãn lại là chênh lệch tạm thời chứ không phải chênh lệch thời gian như phương pháp nợ phải trả tiếp cận báo cáo thu nhập.
Chênh lệch tạm thời bao gồm chênh lệch thời gian và các khoản chênh lệch tạm thời khác. Trong đó:
Chênh lệch thời gian là chênh lệch giữa thu nhập chịu thuế và lợi nhuận kế toán phát sinh trong một giai đoạn và được hoàn nhập trong một hoặc một số giai đoạn kế tiếp.
Các khoản chênh lệch tạm thời khác (không phải chênh lệch thời gian) như:
+ Công ty con, liên kết, liên doanh không phân chia lợi nhuận cho công ty mẹ hoặc nhà đầu tư.
+ Tài sản được đánh giá lại giá trị và không có sự điều chỉnh cho mục đích tính thuế.
+ Tài sản và nợ phải trả trong hợp nhất kinh doanh được ghi nhận theo giá trị hợp lý cho phù hợp với IFRS 3 - Hợp nhất kinh doanh nhưng không có sự điều chỉnh tương ứng cho mục đích tính thuế.
+ Tài sản hoặc nợ phải trả phi tiền tệ được đo lường bằng tiền tệ chính thức nhưng theo cơ sở thuế lại được đo lường bằng một loại tiền tệ khác.
+ Tài sản hoặc nợ phải trả phi tiền tệ được trình bày theo IAS 29 - Báo cáo tài chính trong nền kinh tế siêu lạm phát.
+ Giá trị tài sản hoặc nợ phải trả trong ghi nhận ban đầu khác với cơ sở thuế.
Thứ hai: Ghi nhận tài sản thuế thu nhập hoãn lại và thuế thu nhập hoãn lại phải trả
- IAS 12 gốc cho phép doanh nghiệp không ghi nhận tài sản thuế hoãn lại, thuế hoãn lại phải trả khi có bằng chứng đáng tin cậy khoản chênh lệch thời gian không được hoàn nhập trong tương lai.
IAS 12 sửa đổi yêu cầu doanh nghiệp ghi nhận tài sản thuế hoãn lại, thuế hoãn lại phải trả cho tất cả các khoản chênh lệch tạm thời ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ như nghiêm cấm ghi nhận tài sản thuế hoãn lại, thuế hoãn lại phải trả phát sinh từ sự khác nhau giữa giá trị ghi sổ và cơ sở thuế của tài sản và nợ phải trả từ ghi nhận ban đầu.
- IAS 12 gốc yêu cầu thuế hoãn lại phải trả trong phân phối lợi nhuận của công ty con, liên doanh, liên kết cần được ghi nhận trừ khi giả định lợi nhuận này sẽ không được phân phối hoặc việc phân phối sẽ không làm tăng thuế phải trả.
IAS 12 sửa đổi nghiêm cấm việc ghi nhận như thế mà yêu cầu doanh nghiệp ghi nhận thuế hoãn lại phải trả trừ khi đáp ứng được 2 điều kiện:
+ Công ty mẹ, nhà đầu tư hoặc liên doanh có khả năng kiểm soát thời gian hoàn nhập chênh lệch tạm thời.
+ Chắc chắn chênh lệch tạm thời sẽ không được hoàn nhập trong tương lai có thể dự đoán được.
- IAS 12 gốc không đề cập đến thuế hoãn lại phát sinh trong hợp nhất kinh doanh do điều chỉnh theo giá trị hợp lý.
IAS 12 sửa đổi cho rằng sự điều chỉnh theo giá trị hợp lý làm phát sinh chênh lệch tạm thời và yêu cầu ghi nhận tài sản thuế hoãn lại, thuế hoãn lại phải trả vào ngày hợp nhất để phù hợp với IFRS 3 - Hợp nhất kinh doanh. Theo đó tài sản thuế hoãn lại, thuế hoãn lại phải trả sẽ ảnh hưởng đến giá trị lợi thế thương mại được ghi nhận. Tuy nhiên, IAS 12 sửa đổi nghiêm cấm việc ghi nhận thuế hoãn lại phải trả phát sinh từ ghi nhận ban đầu của lợi thế thương mại.
- IAS 12 gốc không đề cập đến thuế hoãn lại liên quan đến lợi thế thương mại.
IAS 12 sửa đổi có đề cập đến lợi thế thương mại phát sinh trong hợp nhất kinh doanh: 
+ Lợi thế thương mại không được cơ quan thuế xem như một khoản được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế nên cơ sở tính thuế của lợi thế thương mại bằng 0 và làm phát sinh chênh lệch tạm thời chịu thuế, tuy nhiên chuẩn mực không cho phép ghi nhận thuế hoãn lại phải trả phát sinh từ ghi nhận ban đầu của lợi thế thương mại.
+ Lợi thế thương mại được cơ quan thuế xem như một khoản được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thì vẫn có thể ghi nhận thuế hoãn lại phải trả nếu không phải từ ghi nhận ban đầu của lợi thế thương mại. Ví dụ: 
Doanh nghiệp ghi nhận lợi thế thương mại phát sinh từ hợp nhất kinh doanh là 100 và lợi thế thương mại được khấu trừ cho mục đích tính thuế theo thuế suất 20%/năm bắt đầu từ năm hợp nhất. Khi đó cơ sở tính thuế của lợi thế thương mại là 100 khi ghi nhận ban đầu và 80 vào cuối năm hợp nhất, nếu giá trị ghi sổ của lợi thế thương mại cuối năm hợp nhất vẫn không thay đổi thì phát sinh chênh lệch tạm thời là 20 và nó không liên quan đến ghi nhận ban đầu của lợi thế thương mại nên thuế hoãn lại phải trả tương ứng được ghi nhận.
-  IAS 12 gốc cho phép hoặc không yêu cầu doanh nghiệp ghi nhận thuế hoãn lại phải trả phát sinh khi đánh giá lại tài sản.
IAS 12 sửa đổi yêu cầu doanh nghiệp phải ghi nhận thuế hoãn lại phải trả phát sinh khi đánh giá lại tài sản. IFRSs cho phép ghi nhận tài sản theo giá trị hợp lý hoặc theo giá do đánh giá lại. Trong một số trường hợp việc đánh giá lại tài sản theo giá trị hợp lý tác động đến lợi nhuận chịu thuế trong kỳ, tức là cơ sở thuế của tài sản cũng được điều chỉnh thì sẽ không phát sinh chênh lệch tạm thời. Trong các trường hợp khác khi cơ sở thuế không được điều chỉnh thì sẽ phát sinh chênh lệch tạm thời và kết quả là thuế hoãn lại sẽ được ghi nhận.
- IAS 12 gốc không đề cập đến thuế thu nhập hoãn lại phát sinh từ giao dịch thanh toán bằng cổ phiếu.
IAS 12 sửa đổi yêu cầu doanh nghiệp ghi nhận thuế hoãn lại phát sinh từ giao dịch này: Trong một số trường hợp doanh nghiệp được khấu trừ thuế đối với chi phí tiền công thanh toán bằng cổ phiếu. Ví dụ, khi doanh nghiệp ban hành quyền chọn mua cổ phiếu, doanh nghiệp có thể ghi nhận chi phí tiền công phải trả cho nhân viên và không được khấu trừ thuế cho đến khi quyền chọn cổ phiếu được thực hiện (phù hợp với IFRS 2- Thanh toán bằng cổ phiếu), việc đo lường thuế được khấu trừ phụ thuộc vào giá cổ phiếu của doanh nghiệp vào ngày thực hiện. Khi đó, sự khác nhau giữa cơ sở tính thuế của khoản chi phí tiền công phải trả cho nhân viên liên quan với giá trị ghi sổ của nó (bằng 0) sẽ tạo nên chênh lệch tạm thời được khấu trừ và hình thành tài sản thuế thu nhập hoãn lại. Thuế được khấu trừ trong tương lai phụ thuộc vào giá cổ phiếu của công ty trong tương lai, việc đo lường chênh lệch tạm thời được khấu trừ cần dựa vào giá cổ phiếu của doanh nghiệp vào cuối kỳ này. Khối lượng thuế được khấu trừ có thể khác với chi phí tiền lương tích lũy liên quan, nếu khối lượng thuế được khấu trừ vượt quá chi phí tiền lương tích lũy liên quan thì nó không chỉ liên quan đến chi phí nhân công mà còn liên quan trực tiếp đến vốn chủ sở hữu và chuẩn mực yêu cầu thuế hiện hành và thuế hoãn lại trong trường hợp này sẽ được ghi trực tiếp vào vốn chủ sở hữu.
Thứ ba: Về vấn đề phân loại và chiết khấu
- IAS 12 gốc không nói rõ tài sản thuế hoãn lại và thuế hoãn lại phải trả có được chiết khấu hay không.
IAS 12 sửa đổi thì nghiêm cấm chiết khấu tài sản thuế hoãn lại và thuế hoãn lại phải trả.
- IAS 12 gốc không nói rõ phân loại tài sản thuế hoãn lại và thuế hoãn lại phải trả được phân loại thành khoản mục ngắn hạn hay dài hạn.
IAS 12 sửa đổi yêu cầu doanh nghiệp phân biệt rõ giữa ngắn hạn và dài hạn, và không được phân loại tài sản thuế hoãn lại và thuế hoãn lại phải trả thành khoản mục ngắn hạn.

KẾT LUẬN: Việt Nam đã xác định và lựa chọn xu hướng vận dụng IAS 12 khi xây dựng chuẩn mực kế toán Việt Nam về thuế thu nhập (VAS 17) theo cách có chọn lọc nội dung. Đây là một sự lựa chọn hợp lý và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam khi xây dựng VAS 17. Điều này thể hiện ở chỗ IAS 12 được đầu tư xây dựng rất công phu bởi sự góp sức của nhiều chuyên gia đến từ các nước phát triển trên thế giới và IAS 12 được vận dụng thành công ở nhiều quốc gia. Với vị trí là một nước đang phát triển thì việc học hỏi những vấn đề đã thành thông lệ là hết sức cần thiết giúp chúng ta tiết kiệm được chi phí nghiên cứu cũng như rút ngắn thời gian trong việc xây dựng chuẩn mực kế toán thuế thu nhập cho riêng mình. Tuy nhiên từ khi xây dựng và ban hành VAS 17 cho đến nay vẫn chưa có sự cập nhật nội dung mới. Vì vậy những cập nhật mới của IAS 12 là cơ sở quan trọng cho Việt Nam để hoàn thiện VAS 17 nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập kế toán quốc tế.

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

Style of Google. Code by TONY TUONG